Phát triển Mikoyan MiG-29K

Một chiếc MiG-29M. Mikoyan quyết định dùng MiG-29M để chế tạo phiên bản hải quân với tên gọi định danh mới của phiên bản này là MiG-29K.

Đề án (dự án) MiG-29K đã được khởi xướng đầu thập niên 1980 khi Hải quân Liên Xô đã đưa ra yêu cầu phát triển một loại tiêm kích siên âm cho tàu sân bay. Phòng thiết kế MiG (OKB MiG) đã giới thiệu một phiên bản của MiG-29 được trang bị một bộ bánh đáp gia cố khỏe hơn và phần đuôi với một móc hãm với tên gọi MiG-29KVP (Korotkii Vzlet i Posadka - cất hạ cánh trên đường băng ngắn)[9]. Lần thử nghiệm bay đầu tiên vào ngày 21 tháng 8 năm 1982 đã cho thấy mẫu thử nghiệm cần có động cơ mạnh hơn và diện tích cánh lớn hơn[10]. OKB MiG đã quyết định phát triển phiên bản hải quân từ mẫu máy bay MiG-29M (Sản phẩm 9.15) với những sửa đổi của bộ bánh đáp và đôi cánh gấp mới lớn hơn, được đặt tên là Sản phẩm 9-31 hay phổ biết hơn là MiG-29K (Korabelniy - trang bị trên tàu)[11].

MiG-29K bay thử trên đất liền lần đầu tiên vào ngày 23 tháng 7 năm 1988 tại Saky, do phi công thử nghiệm T. Aubakirov điều khiển[12]. Ngày 1 tháng 11 năm 1989, cùng ngày với cuộc thử nghiệm Sukhoi Su-27K, Aubakirov đã thực hiện việc hạ cánh đầu tiên của MiG-29K trên boong tàu sân bay Tbilisi (nay là tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov). Sau đó, cú take-off (cất cánh) đầu tiên của MiG-29K từ boong của tàu sân bay cũng được thực hiện thành công. Trong giai đoạn 1989-1991, MiG-29K tiếp tục được thử nghiệm trên tàu Đô đốc Kuznetsov. MiG-29K khác biệt đáng kể so với mẫu sản xuất MiG-29 ở các đặc điểm trang bị như: 1 radar đa năng mới có tên gọi Zhuk; buồng lái với màn hình hiển thị đơn sắc và sử dụng thanh điều khiển kiểu HOTAS (hands-on-throttle-and-stick); tên lửa không đối không RVV-AE; các loại tên lửa chống radar và chống tàu; cũng như các loại vũ khí không đối đất dẫn đường chính xác. Để bảo vệ động cơ khỏi FOD, cửa dẫn khí của động cơ được gắn các vỉ lưới có thể thu vào được nhằm thay thế các chi tiết phức tạp hơn trên MiG-29.[13]

Hồi sinh

MiG-29K sơn màu của Hải quân Ấn Độ tại Triển lãm hàng không MAKS

Chương trình MiG-29K được hồi sinh sau khi Hải quân Ấn Độ có quyết định mua chiếc tàu sân bay của Hải quân Xô viết cũ là chiếc Đô đốc Gorshkov. Ấn Độ có nhu cầu trang bị các máy bay tiêm kích đa năng cho tàu sân bay của mình với kích cỡ tàu hạn chế, kích cỡ của MiG-29K đã đáp ứng được như cầu này. Nhóm chiến đấu của tàu có thể sẽ gồm 12 chiếc MiG-29K. Máy bay có một hệ thống điều khiển từ xa, diện tích bề mặt cánh gấp lớn (42 m² so với 38 m²), phương tiện bảo vệ động cơ khi máy bay vận hành ở các sân bay dã chiến, gia cố bộ phận hạ cánh, móc hãm, có các phương pháp đặc biệt để chống ăn mòn trên khung máy bay.[13]

Ngày 20 tháng 1 năm 2004, một thỏa thuận giữa Ấn ĐộNga đã được ký kết với giá trị thỏa thuận là 1,6 tỉ USD, thỏa thuận này về việc bán tàu Đô đốc Gorshkov cho Ấn Độ. Theo thỏa thuận, một nửa số tiền sẽ được chi tại nhà máy chế tạo máy Phương Bắc ở Severodvinsk, để tân trang tàu sân bay Gorshkov, nửa số tiền còn lại được dùng để mua các máy bay tiêm kích MiG-29K và các trực thăng chống ngầm. Khi tàu Gorshkov còn là một phần của hạm đội Xô viết, nó là một chiếc tàu lai giữa tàu sân bay và tàu tuần dương, tàu Gorshkov trang bị máy bay cất hạ cánh thẳng đứng. Còn ngày nay, nó sẽ trang bị MiG-29K, và boong tàu bắt buộc phải sửa lại để có đường băng cất cánh và hạ cánh. Phần còn lại của số tiền sẽ dùng để mua 16 chiếc MiG-29K và 10 chiếc trực thăng. MiG-29K cũng có thể được chọn để trang bị cho các tàu sân bay hạng nhẹ mà Ấn Độ dự định phát triển và chế tạo trong nước.[13]

Việc sửa đổi đã được thực hiện theo yêu cầu của Hải quân Ấn Độ; đặt tiêu chuẩn cho tất cả sản phẩm hiện nay, máy bay được trang bị radar Zhuk-ME, động cơ RD-33MK, tải trọng chiến đấu lên tới 5.500 kg, 13 giá treo vũ khí, thùng nhiên liệu bổ sung ở dọc lưng máy bay và cánh, tăng tổng số lượng nhiên liệu mang được lên 50% so với biến thể đầu của MiG-29 và cập nhật hệ thống điều khiển bay lái bằng dây số 4 kênh. Hiện nay MiG-29K và MiG-29KUB chế tạo dùng chung kiểu nóc buồng lái 2 chỗ kích thước lớn. Với lớp sơn phủ đặc biệt trên MiG-29K, bề mặt phản xạ radar của MiG-29K nhỏ hơn 4 đến 5 lần so với MiG-29 cơ bản. Các màn hình hiển thị trong buồng lái gồm HUD và 3 màn hình màu đa năng LCD (7 chiếc trên MiG-29KUB) và module GPS Sigma-95 của Pháp và hệ thống chỉ thị mục tiêu trên mũ phi công Topsight E. MiG-29K tương thích hoàn toàn với các loại vũ khí khí tài trang bị cho MiG-29M và MiG-29SMT.[14]

Chiếc MiG-29KUB đầu tiên phát triển cho Hải quân Ấn Độ thực hiện chuyến bay đầu tiên tại trung tâm thử nghiệm máy bay Zhukovsky của Nga vào ngày 22 tháng 1 năm 2007.[15]

Một vấn đề là thiếu máy bay AWACS cho tàu sân bay có thể được giải quyết ít nhất một phần bằng sự phát thích hợp của nền tảng MiG-29KUB hai chỗ. Hợp đồng hiện nay cũng cung cấp một lựa chọn cho 30 chiếc máy bay khác với việc giao hàng tới tận năm 2015, nhằm trang bị cho các tàu sân bay nội địa của Hải quân Ấn Độ do Cochin Shipyard Limited (CSL) chế tạo. Đó là lý thuyết để có thể phát triển nền tảng MiG-29KUB với radar mạnh hơn cùng với thiết bị liên kết dữ liệu bay (IFDL) được mã hóa TKS-2/R-098 cho phép nhiều chiếc MiG-29KUB liên kết với nhau hiệu quả, tạo vùng bao phủ nhằm cảnh báo sớm bên cạnh việc còn là máy bay tiêm kích thích hợp trong việc truy đuổi. Việc sử dụng một tỷ lệ đáng kể MiG-29KUB sẽ có thể tăng khả năng hoạt động trong phạm vi chiến tranh điện tử và đánh chặn từ xa.[16]

Hãng sản xuất máy bay Nga MiG đã ký hợp đồng mua 24 hệ thống chỉ thị mục tiêu và hiển thị trên mũ bay TopSight của tập đoàn Thales (Pháp) tại triển lãm hàng không ở Farnborough năm 2012 để trang bị cho các máy bay tiêm kích trên hạm MiG-29K và MiG-29KUB dự định đưa vào trang bị cho không quân hải quân Nga sau khi kiểm nghiệm thành công trên các máy bay MiG của Ấn Độ.

MiG-29K tại sân bay LII Zhukovskiy.

MiG-29K cho tàu "Đô đốc Kuznetsov"

Hải quân Nga dự kiến sẽ mua MiG-29K cho chiếc tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov duy nhất của mình. Tờ Bulletin Reports đưa tin vào năm 2009, một nguồn tin trong Bộ quốc phòng Nga nói rằng có thể một hợp đồng sẽ được ký vào năm 2011. Thông tin này đã được xác nhận bởi tổng công trình sư của một trong những doanh nghiệp quốc phòng sản xuất nguyên liệu chế tạo máy bay MiG-29K, trong khi công ty Mikoyan không đưa ra bình luận gì.[17][18]

Theo một ấn phẩm phát hành của Bộ Quốc phòng Nga, Hải quân Nga có một phi đội gồm 19 chiếc Su-33 hoạt động trên tàu sân bay, số máy bay này sẽ hết hạn sử dụng vào năm 2015. Việc sản xuất mới những chiếc Su-33 là có thể nhưng không hiệu quả về kinh tế vì số lượng máy bay là nhỏ. Cùng lúc, MiG-29K sẽ thuận tiện hơn, vì Hải quân Ấn Độ cũng đã đặt mua loại máy bay này. Konstantin Makienko giải thích rằng MiG-29K rẻ hơn, tiết kiệm hơn trong sản xuất và phát triển do đặt chế tạo hàng loạt. Ấn Độ đã trả 730 triệu USD cho việc phát triển và chuyển giao 16 chiếc MiG-29, trong khi 24 chiếc khác giao cho phi đội của Nga sẽ có giá khoảng 1 tỉ USD.[17]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mikoyan MiG-29K http://www.airforcesmonthly.com/view_article.asp?I... http://www.airforcesmonthly.com/view_news.asp?ID=1... http://www.barentsobserver.com/new-fighter-jets-fo... http://www.bharat-rakshak.com/NAVY/MiG-29K.html http://igorrgroup.blogspot.com/2009/10/indian-mig-... http://livefist.blogspot.com/2009/08/exclusive-mig... http://www.deagel.com/Strike-and-Fighter-Aircraft/... http://www.defense-update.com/features/du-1-07/aes... http://www.indiadefence.com/mig29k.htm http://timesofindia.indiatimes.com/india/India-Rus...